Thế Giới Trị Mụn - Nổi Tiếng Về Mụn
Thứ Sáu, 16/02/2024

Cấy mỡ tự thân tạo hình khuôn mặt phần 3

Thế Giới Trị Mụn

CẤY MỠ TẠO HÌNH KHUÔN MẶT THEO CÁC VÙNG 

Lượng mỡ cần được cấy phụ thuộc vào mong muốn của bệnh nhân và kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Điểm vào, mặt phẳng và kỹ thuật cấy mỡ tùy thuộc vào từng vị trí. Sau đây là các vùng thường được cấy mỡ trong tạo hình khuôn mặt:

- Trán, lông mày: Mỡ được cấy dưới da, trong cơ hoặc dưới cơ. Điểm vào thường ở chân tóc hoặc lông mày. Lượng mỡ cấy vùng này khoảng 5 đến 20 mL mỗi bên. 

- Hõm thái dương: Nên tiêm 2 mặt phẳng trên và dưới cân thái dương nông. Điểm vào thường ở chân tóc hoặc lông mày. Lượng mỡ cấy khoảng 3 đến 15 mL mỗi bên. 

- Vùng gian mày và vùng mũi: Điều trị nếp nhăn vùng gian mày, gốc mũi, các điểm lõm của mũi. Điểm vào có thể ở trán, gian mày, má, đầu mũi. Tiêm vào nhiều lớp khác nhau từ màng xương cho tới lớp dưới da.17 Đây là vùng chứa nhiều mạch máu nên hết sức thận trọng để tránh biến chứng mù mắt, đột quỵ. 

- Vùng quanh mắt: Đây là vùng da rất mỏng, dễ gây gồ ghề mất thẩm mỹ. Yêu cầu phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm, nên bơm chậm từng hạt mỡ nhỏ. Phải cấy mỡ đa tầng, trên - trong - dưới cơ, bơm từ sâu ra đến nông, dọc theo viền ổ mắt. Mi trên nên cấy khoảng 0,5 đến 2 mL, mi dưới cấy không quá 3 mL. 

- Má: Cấy mỡ má làm cải thiện tình trạng má hóp, giảm sự nhô ra của xương gò má. Thường sử dụng 2 điểm vào ở cạnh rãnh mũi má và cạnh cung gò má. Chú ý tránh tổn thương dây thần kinh dưới ổ mắt. Lượng mỡ cấy khoảng 5 đến 15 mL mỗi bên. 

- Rãnh mũi má: Điểm vào gần khóe miệng hoặc rãnh môi má. Cấy mỡ cả lớp sâu sát màng xương và lớp nông dưới da. Chú ý tránh tổn thương động mạch mặt. Lượng mỡ cấy khoảng 2 đến 4 mL. 

- Môi: Cấy mỡ ở lớp nông ngay bên dưới niêm mạc môi để tránh làm tổn thương cơ vòng môi và động mạch môi. Nên cấy bằng que cấy nhỏ 22 G. 

- Cằm, dưới hàm: Cấy mỡ để cải thiện cằm lẹm, cằm xị hoặc làm rõ đường viền hàm. Điểm vào ở rìa hàm dưới, vùng dưới cằm và rãnh trước hàm. Cẩn thận để tránh làm tổn thương động mạch mặt. Lượng mỡ cấy vùng này khoảng 3 đến 10 mL mỗi bên tùy thuộc từng bệnh nhân. 

7. BIẾN CHỨNG 

Khuôn mặt không cân đối hai bên là biến chứng thường gặp nhất sau cấy mỡ tự thân, có thể xử lý bằng cấy mỡ bổ sung vùng lõm hoặc hút bớt mỡ vùng lồi. Ngoài ra sờ thấy các khối mỡ, u cục dưới da có thể xử lý bằng hút mỡ hoặc cắt bỏ tổn thương.13 

Hay gặp bầm tím, phù nề vùng cấy mỡ và vùng hút mỡ nhưng thường không nghiêm trọng và tự khỏi. Nên chườm mát vùng cấy để giảm phù nề, bầm tím. 

Một số biến chứng khác có thể gặp bao gồm: Nhiễm trùng, thuyên tắc mạch mỡ, mù mắt, tụ máu, tổn thương thần kinh, u hạt nhiễm khuẩn, sẹo xấu, biến dạng nơi lấy mỡ. 

8. CHĂM SÓC SAU MỔ 

Tình trạng bầm tím sưng nề sau cấy mỡ sẽ tự hết, muộn nhất là sau 6 tuần13. Để giảm nguy cơ bầm tím và sưng nề nên chườm mát sau phẫu thuật từ 24 đến 48 giờ, nhưng tránh chườm lạnh vì tăng nguy cơ tiêu mỡ. 

Băng ép vùng cấy mỡ sau phẫu thuật sẽ giảm mức độ tiêu mỡ. Xoa bóp vùng cấy mỡ trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật sẽ làm mỡ cấy di chuyển, do đó tăng mức độ tiêu mỡ. 

Nếu cần cấy mỡ bổ sung thì nên thực hiện sau 6 tháng đến 1 năm nhằm hạn chế các biến chứng và tăng hiệu quả cấy mỡ. 

9. KẾT LUẬN 

Cấy mỡ tự thân là một trong những phương pháp được ưa chộng và sử dụng rất rộng rãi trong tạo hình khuôn mặt với các ưu điểm như số lượng mỡ cấy lớn, mềm mại, tự nhiên, không đào thải, có thể tồn tại vĩnh viễn. Tuy nhiên cần đảm bảo vô trùng và kiểm soát tốt kỹ thuật để tránh các biến chứng, ngoài ra phẫu thuật viên khó ước lượng được lượng mỡ tiêu đi vì vậy có thể phải cần những lần cấy mỡ bổ sung.

Nguồn: Tạp chí da liễu Việt Nam

Lên đầu trang

zalo